Giao lưu trực tuyến chăm sóc trẻ tự kỷ

SGTT.VN - Trẻ tự kỷ đang là nỗi lo của nhiều gia đình. Việc phát hiện trẻ mắc tự kỷ cũng ngày càng nhiều hơn. Phải chăng tự kỷ là một căn bệnh? Tại sao và làm thế nào để sớm biết trẻ bị tự kỷ? Phương pháp trị liệu và những cách để giáo dục trẻ mắc hội chứng tự kỷ... là những vấn đề đang được nhiều bậc cha mẹ quan tâm.

Lúc 9 giờ 30 thứ năm 25.11, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, trưởng đơn vị tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM và TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch hội đồng quản trị trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí, TP.HCM có buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Chăm sóc trẻ tự kỷ” tại toà soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Bên cạnh trả lời những câu hỏi bạn đọc gửi về qua mạng, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh và bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm còn tư vấn trực tiếp cho 30 bạn đọc đăng ký sớm nhất.

Những bạn đọc tham dự trực tiếp sẽ được công ty cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk, đơn vị tài trợ buổi giao lưu, tặng các phần quà dinh dưỡng.

Bé năm nay 3,5 tuổi, bé đã được đi khám tâm lý 2 lần, lúc nhỏ 20 tháng và lúc 3 tuổi, và được chẩn đoán tự kỷ không điển hình. Sau khi khám trở về, gia đình có tích cực dạy cháu: nhìn vào mặt người đối diện khi nói và lắng nghe khi người khác nói, nhưng tới nay cháu chưa nói nhiều được.

Nhờ bác sĩ tư vấn giùm cách dạy để khắc phục về vấn đề ngôn ngữ nói, vì khi cháu cần điều gì thì cháu đều nói được, nhưng không được trôi chảy lắm. Ngoài đìêu đó ra, bé phát triển bình thường, nhìn đồ vật một cánh chăm chú, khi cô giáo dạy thì biết ngồi yên khoảng 30 phút giống như các bạn. Biết giao tiếp với bạn, biết làm trò khi chơi với bạn và biết bắt chước bạn. Ở nhà dạy bé, bé nhớ các mẩu chữ cái và số thứ tự, không trả lời bằng cánh học vẹt. (Phạm Nguyễn Bảo Trâm, sisapa...@yahoo.com)

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh: Trong các trẻ tự kỷ, 50% trẻ có thể nói được, còn 50% không thể nói suốt đời. Con của bạn được ba tuổi rưỡi và đã bắt đầu nói được, cháu cần được một chuyên viên âm ngữ khám và điều trị tại khoa phục hồi chức năng, bệnh viện Nhi đồng 1. Phụ huynh không nên cho cháu xem tivi nhiều, chỉ nên xem một giờ một ngày. Trong mọi sinh hoạt hàng ngày, phụ huynh nên kèm theo lời nói đơn giản, ngắn gọn. Vì dụ: Khi cho trẻ ăn thì nói với trẻ "ăn cơm", hoặc khi đi tắm thì nói "đi tắm"... để trẻ quen dần với ngôn ngữ.

Con gái em năm nay 6 tuổi, nhìn cháu rất bình thường vì cháu rất vui vẻ, hòa đồng với mọi người, cháu có thể tự vệ sinh cá nhân, ăn uống. Riêng việc tiếp thu kiến thức toán học, chữ viết và màu sắc thì cháu rất dễ quên, dạy mãi cháu vẫn không nhớ nổi,hoặc hôm nay nhớ mai cháu lại quên, tôi không biết phải làm sao. Xin bác sĩ tư vấn giúp (Trịnh Thu Nga, ngatrinh...@yahoo.com)

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm: Các trẻ tự kỷ đều có vấn đề về trí tuệ, muốn được biết cháu có trí tuệ ở mức nào thì phải làm trắc nghiệm với thời gian vài tuần để quan sát trẻ và trao đổi với phụ huynh. Các cháu thường hay quên những điều đã học cũng là việc bình thường, vấn đề là phải tạo điều kiện cho cháu giao tiếp, quan hệ tiếp xúc với bạn cùng lớp và ngoài trường, đề nghị cô Nga đưa cháu đến BV Nhi Đồng 1 hoặc trường chuyên biệt (như trường chuyên biệt Khai Trí ) để được trắc nghiệm và tư vấn.

Chào bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm. Xin bác sĩ cho biết bệnh tự kỷ có di truyền không? Anh trai tôi có con bị tự kỷ, vậy bé nhà tôi có bị không? Mong bác sĩ cho biết muốn khám kiểm tra cho con thì chúng tôi có thể tới chỗ nào? Cám ơn bác sĩ. (Mẹ Gà Con, hoaithuongle_....@yahoo.com)

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm: Nguyên nhân chứng tự kỷ tới nay chưa xác định rõ, các nhà khoa học cho rằng chứng tự kỷ có thể di truyền. Bạn có thể đưa bé đến BV Nhi Đồng 1, 2  hoặc các trường chuyên biệt để được trắc nghiệm và tư vấn.

Tại sao thời buổi hiện nay, bệnh tự kỷ ở trẻ em lại phổ biến nhiều như thế? Tôi có đứa cháu, năm nay 4 tuổi mà không nói được, mắt cứ lơ láo. Đi khám nhiều nơi và người ta đều nói là cháu bị tự kỷ nhưng chữa mãi không khỏi. Mong bác sĩ Phạm Ngọc Thanh tư vấn giúp chỗ nào tốt để chúng tôi đưa cháu đến đó chữa trị. Cám ơn bác sĩ. (Giang, bobogiang...79@gmail.com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Bệnh tự kỷ hiện nay được phát hiện ngày càng nhiều, vì các chuyên viên ngành y tế được huấn luyện tốt về chứng bệnh này từ 10 năm nay. Các phương tiện truyền thông đưa tin về chứng bệnh này nên các gia đình quan tâm, quan sát con và phát hiện các dấu hiệu tự kỷ sớm hơn.

Cháu của bạn được 4 tuổi và chưa nói được, mắt cứ lơ láo, cháu đã được chẩn đoán tự kỷ. Tự kỷ là một bệnh chưa được rõ nguyên nhân nên hiện nay cũng chưa có thuốc điều trị. Phương pháp điều trị tốt nhất là phương pháp tâm lý giáo dục. Hiện nay tại TP.HCM có một số trường chuyên dạy trẻ tự kỷ. Và tại BV Nhi đồng 1, đơn vị tâm lý tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn cho phụ huynh về cách giáo dục trẻ tự kỷ. Bạn có thể liên hệ với "Hội quán Đời rất đẹp", địa chỉ 91/6N đường Hoà Hưng, P.12, Q.10, số điện thoại: 0907.206021 hoặc 08.38682770 để biết chi tiết buổi sinh hoạt câu lạc bộ phụ huynh có con tự kỷ vào chiều thứ bảy (27.11.2010).

Thưa các bác sĩ, tôi có con năm nay mới ba tuổi. Bình thường bé rất vui vẻ, cười nói hớn hở với người nhà. Nhưng khi ra ngoài gặp người lạ là bé lại co rúm người lại, không chịu chào hỏi nói chuyện với ai. Như vậy có phải là bị tự kỷ không bác sĩ? (Le Thi Lan Anh, lethilananh...12@yahoo.com)

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm: Bình thường đến 3 tuổi là có thể được làm trắc nghiệm cháu có mắc chứng tự kỷ hay không. Có thể trước đó người ta  cũng có thể phát hiện chứng tự kỷ như không giao tiếp mắt, không tiếp xúc với ai, nhất là người lạ. Vấn đề chúng ta cho cháu thường xuyên tiếp xúc với nhiều người thì dần dần cháu sẽ quen. Những điều cô Lan trình bày chưa xác định được cháu mắc chứng tự kỷ vì chứng tự kỷ còn biểu hiện qua nhiều dấu hiệu bất bình thường khác như không giao tiếp, không quan hệ xã hội hoặc có hành vi như tự quay tròn, đi nhón gót,...

Nếu cô quan tâm đến tình trạng này của cháu thì có thể đưa cháu đến BV Nhi Đồng 1, 2 và các trường chuyên biệt để được trắc nghiệm và tư vấn thêm.

Chào bác sĩ Thanh. Con tôi 3 tuổi, bé có biểu hiện là mỗi khi hỏi gì là cứ nhại lại lời hoặc trả lời không bình thường lắm. Ví dụ, hỏi: Bé ốc đi chơi nhé? Thì bé trả lời là "Ốc đi chơi". Không biết như vậy có phải là bé bị tự kỷ không? Và thường thì bệnh tự kỷ xuất hiện ở độ tuổi nào? Có dấu hiệu nào sớm để nhận biết trẻ bị tự kỷ không? (nguyenthianhtuyet, tuyetnguyen_star...@yahoo.com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Không thể dựa trên một triệu chứng để chẩn đoán tự kỷ. Để chẩn đoán tự kỷ, chuyên viên tâm lý cần quan sát trẻ dựa trên nhiều triệu chứng mới có thể kết luận chứng tự kỷ. Các dấu hiệu sớm của chứng tự kỷ là

  1. Không nhìn thẳng mặt người đối diện
  2. Không quay lại khi được gọi tên
  3. Không biết chỉ bằng ngón trỏ để giao tiếp lúc 12 tháng tuổi
  4. Không biết kêu ba, mẹ lúc 12 tháng tuổi
  5. Không biết nói câu gồm hai từ. Ví dụ: "Ăn cơm", "đi chơi"... lúc 2 tuổi
  6. Ngưng nói ở bất kỳ lứa tuổi nào mặc dù trước đó đã biết nói
  7. Nếu biết nói, thì hay lặp lại lời nói của người khác
  8. Không biết chơi giả bộ lúc 2 tuổi
  9. Các triệu chứng tự kỷ thường xuất hiện sớm trước 3 tuổi.

Chào bác sĩ Thanh. Cháu nhà tôi 7 tuổi và nghịch lắm, chạy nhảy không biết mệt. Khi chơi với bạn, cháu không biết nhường nhịn và dễ cáu giận, gây gổ. Cháu thích gì là làm đấy, có lần trượt trên tay vịn cầu thang ngã, bị trầy ở trán vậy mà cứ nhìn thấy tay vịn là leo lên. Đi khám thì bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh tự kỷ. Không biết như vậy có đúng không bác sĩ? Và làm cách nào để chữa trị cho bé? (Quỳnh, thamquynhtran...@yahoo.com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Để chẩn đoán tự kỷ, bác sĩ cần quan sát trẻ và dựa trên những tiêu chuẩn chẩn đoán của bảng phân loại bệnh quốc tế và dựa trên bệnh sử của trẻ và gia đình. Vì thế, với những dấu hiệu mà bạn kể ra, tôi chưa thể kết luận trẻ có tự kỷ hay không. Ba nhóm triệu chứng chính của chứng tự kỷ là:

- Khiếm khuyết tương tác xã hội

- Khiếm khuyết giao tiếp

- Hành vi bất thường.

Cách điều trị tự kỷ là dựa theo sự phát triển của trẻ để xây dựng chương trình giáo dục tâm lý phù hợp cho mỗi trẻ. Hiện nay chưa ai biết nguyên nhân của chứng tự kỷ nên cũng chưa có thuốc chữa lành chứng tự kỷ.

Tôi nghe nói tự kỷ là triệu chứng của bệnh tâm thần. Tôi lấy chồng ở quê, thấy phong tục tập quán ở đây vẫn còn nặng nề lắm. Mấy cô chú nhà chồng dặn không được đặt tên con trùng với tên bất kỳ ông, bà, cô bác nào trong họ hàng. Vì nếu đặt tên trùng thì như vậy là phạm thượng, bé sẽ không phát triển trí tuệ. Quan niệm đó đúng không, thưa bác sĩ? (Huyền, duongthimyhuyen...@gmail.com)

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm: Chứng tự kỷ không phải triệu chứng tâm thần, lâu nay người ta hiểu lầm cho nên người ta lẩn tránh và cố tình giấu trẻ sợ dư luận xã hội, nên chậm đưa trẻ đến khám, làm khó khăn thêm giáo dục trị liệu của BV cũng như của các trường chuyên biệt. Các nhà khoa học đã phân biệt được chứng tự kỷ và bệnh tâm thần hoàn toàn khác nhau, một bên là rối loạn phát triển sức khoẻ tâm thần (tự kỷ), một bên là tâm thần phân liệt (bệnh điên).

Ngày nay người ta không có quan niệm trùng tên họ là ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Những điều cô nghe người ta nói là không đúng, chỉ là do ảnh hưởng mê tín mà thôi. Nên cô cũng không cần phải lo lắng về điều đó.

Bác sĩ ơi, con tôi năm nay 19 tuổi. Hồi nhỏ bé hay nói chuyện, thủ thỉ với mẹ. Nhưng gần đây con tôi cứ lầm lỳ ít nói, có lúc gắt gỏng cãi lại cả lời mẹ. Đi học về là lao vô phòng đóng kín cửa chả nói chuyện gì với ai, gọi ăn cơm thì mới xuống rồi lại về phòng. Không biết con tôi có phải bị tự kỷ không bác sĩ? Mong bác sĩ tư vấn cho.(Triệu Thị Hoa Dung, trieudung...@gmail.com)

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm: Con chị 19 tuổi mà phát triển bình thường nhưng gần đây có những dấu hiệu như chị nói thì nên đưa cháu đến các chuyên viên tâm lý trị liệu, theo tôi nghĩ cháu đang mắc chứng trầm cảm vì một lý do nào đó. Nếu được tư vấn tốt thì cháu sẽ trỡ lại bình thường, dấu hiệu của cháu như ở một mình, sống khép kín không giống như các dấu hiệu của chứng tự kỷ.

Chào bác sĩ. Tôi nghe nói uống rượu, bia lúc mang bầu thì con sau này sẽ kém thông minh, bị mắc bệnh tự kỷ. Liệu như vậy có đúng không? Tôi thỉnh thoảng có uống rượu vang trong bữa ăn cùng chồng, uống nửa ly thôi và đang mang bầu 4 tháng thì có sao không?(Phan Hồ Nam Anh, anhsaobinhyen...@gmail.com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Rượu bia có thể ảnh hưởng tới sự phát triển não của trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ uống rượu vang trong bữa ăn và số lượng uống không nhiều, thì không tác động đến sự phát triển não của trẻ. Hiện nay chưa có bằng chứng nào về ảnh hưởng của bia, rượu trên trẻ tự kỷ. Rượu bia chỉ là một yếu tố nguy cơ cho sự phát triển não của trẻ nói chung.

Bác sĩ cho em hỏi bệnh tự kỷ ở trẻ em thì có thuốc nào chữa được không? (Từ Mai Hương, maihuong.doremon@...com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Không có thuốc nào chữa khỏi chứng tự kỷ. Chỉ dùng thuốc tâm thần khi trẻ có dấu hiệu hung hăng, tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác; hoặc có những bệnh lý tâm thần, hoặc thần kinh khác kèm theo.

Vợ chồng tôi cưới nhau khá trễ nên tới năm ngoái mới có con. Năm nay tôi 38 tuổi, còn vợ tôi 35 tuổi. Con tôi mới gần một tuổi. Tôi nghe nói việc sinh con khi đã luống tuổi thì bé phát triển trí tuệ không bình thường, dễ mắc bệnh tự kỷ có đúng không thưa bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm? Và bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ có những biểu hiện như thế nào? Mong bác sĩ tư vấn giúp. Cám ơn và chúc sức khoẻ bác sĩ. (BoCuBin, hatunglong...@gmail.com)

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm: Bệnh tự kỷ không tuỳ thuộc vào lứa tuổi của cha mẹ, người trẻ và người già đều có thể có con mắc chứng tự kỷ. Nếu con của bạn có những dấu hiệu sau đây như: không tiếp xúc mắt, không quan hệ xã hội, có hành vi tăng động,...thì nên đưa con đến BV Nhi đồng 1, 2 và các trường chuyên biệt để được trắc nghiệm và tư vấn.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh tự kỷ? (do uống thuốc ngừa thai? bố mẹ sinh con khi đã lớn tuổi? do ảnh hưởng bởi hóa chất? bị chấn thương ở não?) Bệnh này có di truyền hay không? Và điều trị có dứt điểm được không? (Trịnh Dương Thục, 61 tuổi)

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm: Nguyên nhân hiện nay chưa xác định, có các tác động làm nặng thêm về trí não, có thể do di truyền, cũng do môi trường như mẹ trước khi sinh bị stress, cha mẹ ăn nhậu, bệnh tiểu đường. Dấu hiệu của cháu là chỉ làm tăng tự kỷ chứ không là nguyên nhân gây tự kỷ.

Không có xác nhận để chữa hết bệnh tự kỷ, nếu trẻ được phát hiện sớm và can thiệp sớm thì có khả năng hội nhập với các trẻ bình thường.

Chào bác sĩ Phạm Ngọc Thanh. Tôi nghe nói trẻ sơ sinh, thậm chí lúc trong bụng mẹ đã mắc bệnh tự kỷ. Như vậy có đúng không? Ở lứa tuổi bé như thế làm cách nào để phát hiện có phải trẻ bị tự kỷ hay không?(Mẹ bé Nu, hainhu...@yahoo.com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Có giả thuyết cho rằng chứng tự kỷ đã có từ trong bụng mẹ, và thậm chí có yếu tố di truyền. Vì thế trong một gia đình, có thể có nhiều người mắc chứng tự kỷ. Anh em sinh đôi cùng trứng có thể cùng mắc chứng tự kỷ. Nếu một gia đình đã có một đứa con tự kỷ, thì tỉ lệ con sinh sau đó bị tự kỷ là 3%.

Những dấu hiệu sớm nhất nghi ngờ tự kỷ là: bé không nhìn mắt mẹ khi mẹ tiếp xúc với bé, bé không cười với mẹ khi mẹ cười với bé, bé không đòi bồng ẵm mà thích chơi một mình trong nôi...

Chào bác sĩ Ngọc Thanh. Con tôi năm nay 4 tuổi, bé khoẻ mạnh và nói năng bình thường. Tuy nhiên thời gian gần đây cháu biếng ăn, bị sút cân. Khám thì bác sĩ nói không có bệnh gì, món ăn cũng không có gì lạ. Đồng nghiệp chỗ cơ quan tôi bảo như vậy là biểu hiện của trẻ tự kỷ. Không biết như vậy có đúng không, mong bác sĩ tư vấn. Cám ơn và chúc bác sĩ mạnh khoẻ. (Hoa, This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.">hoavohuỵet...@yahoo.com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Triệu chứng biếng ăn và sụt cân không phải là dấu hiệu của chứng tự kỷ. Bạn nên nhờ một bác sĩ dinh dưỡng tư vấn về vấn đề ăn uống. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ tư vấn từ một chuyên viên tâm lý để tìm nguyên nhân biếng ăn do tâm lý. Có thể một sự khó khăn trong mối quan hệ mẹ con làm cho trẻ biếng ăn.

Cháu tôi sinh 13.4.2007, chưa nói được (có thể phát âm vài từ), thường hay bịt tai khi nghe một số âm thanh (đặc biệt đối với cháu). Xin hỏi: cháu bị tự kỷ chưa? Cách nào giúp cháu nói được? Trị ở đâu? Học ở đâu? Hiện cháu đang học lớp mầm non với các trẻ bình thường nhưng rất ít chơi với bạn, chỉ ngồi chơi một mình. Chân thành cám ơn. (Tôn Văn Thơ, 59 tuổi).

BS Phạm Ngọc Thanh: Ở đây bạn đưa ra ba triệu chứng là trẻ không nói được và bịt tai khi nghe âm thanh, ngồi chơi một mình. Muốn xác định đúng trẻ có bị tự kỷ hay không thì phải dựa trên nhiều triệu chứng như tôi đã đề cập ở trên. Ở trẻ bình thường một tuổi, trẻ bắt đầu nói những từ như: ba, ông… Hai tuổi nói được câu hai từ, ba tuổi câu nói dài hơn… Ở đây trẻ có dấu hiệu chậm nói. Còn khi nghe âm thanh bịt tai thì có thể trẻ bị rối loạn về giác quan. Nhiều khi nghe những âm thanh, tiếng nhỏ thôi nhưng trẻ sợ và phản ứng bằng cách bịt tai.

Ở đây chưa đủ những dấu hiệu để kết luận con bạn có bị tự kỷ hay không. Bạn nên đưa cháu đến gặp bác sĩ để chẩn đoán như khoa khám tâm thần nhi bệnh viện Tâm thần. Khoa tâm lý bệnh viện Nhi đồng 1 và bệnh viên Nhi đồng 2. Sau khi chẩn đoán, chuyên viên sẽ hướng dẫn cách giúp cho cháu. Chẩn đoán chính xác từ là lúc trẻ đã 3 tuổi, nhưng phát hiện sớm hơn thì sẽ can thiệp sớm và đưa ra những biện pháp điều trị sớm.

Xin bác sĩ tư vấn, con trai tôi năm nay đã 35 tuổi, từ nhỏ nó đã không cười nói với ai hết, luôn ủ rũ một mình. Cháu đã đi làm bưu tá viên, hết giờ làm là thu mình trong phòng, không giao tiếp với bạn bè. Tôi phải làm gì giúp cháu. Xin cám ơn. (Bùi Bích Tâm, 67 tuổi)

BS Phạm Ngọc Thanh: Có ba nhóm dấu hiệu bệnh tự kỷ:

- Khiếm khuyết tương tác xã hội.

- Không thích giao thiệp với người khác, chơi một mình không nhìn thẳng, không biết chia sẻ sự quan tâm với người khác.

- Khiếm khuyết về giao tiếp bằng lời nói.

Bệnh này có nhiều mức độ từ rất nhẹ đến rất nặng. Con trai của chị từ nhỏ đã có khiếm khuyết tương tác xã hội (không cười với ai hết, ủ rũ, thu mình, không giao tiếp với bạn). Nhưng ngoài ra, không biết có dấu hiệu khiếm khuyết giao tiếp và hành vi nào khác không. Nếu chỉ có khiếm khuyết về tương tác xã hội, thì đó mới là khiếm khuyết kỹ năng xã hội mà thôi.

Cách gia đình giúp cho con là thông cảm, động viên con có quan hệ xã hội, nhưng không áp đặt, chỉ trích, phê phán và chấp nhận khiếm khuyết xã hội đó. Điều quan trọng là giúp cho người bệnh và gia đình cảm thấy thoải mái trong sự tôn trọng các điểm khác biệt của từng người.

Chị nên đưa con đến khám với một chuyên viên tâm lý có kinh nghiệm về chứng tự kỷ như ở bệnh viện tâm thần hoặc phòng tư vấn tâm lý tại phòng khám đa khoa Thánh Mẫu, 118 Bành Văn Trân, Q.Tân Bình, ĐT: 3865 2225 để hẹn khám tâm lý.

Con trai tôi năm nay 4 tuổi. Vợ chồng tôi phát hiện bé bị tự kỷ năm ngoái vì thấy bé cứ lơ đãng, ít nói và co rúm người mỗi khi người lạ sấn tới, dù chỉ nựng yêu thôi. Tôi cho con đến học tại một cơ sở tư nhân vì nghe giới thiệu chỗ này dạy tốt. Vợ chồng tôi không biết họ dạy như thế nào, thấy bé về bị bầm tím tay chân, nhiều khi có vết xước nhẹ. Dù hỏi thế nào thì bé cũng không nói, mặc dù bình thường mẹ nói gì là bé nghe theo. Sau này tìm hiểu thì biết họ cho con tôi bò, trườn, nhiều khi đi bằng hai tay... Tôi phàn nàn thì họ nói như thế giúp bé cứng cáp, máu lưu thông tốt. Tôi lo cho con bệnh tật nên cắn răng giao con cho họ, nhưng nhìn con bị bầm tím như thế thì không cam lòng. Xin hỏi bác sĩ Phạm Ngọc Thanh liệu cách chữa trị dạy dỗ như vậy có đúng không, vì quả thật con tôi có tiến triển chút ít. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi phải làm gì? (Hà, phamtha...81@gmail.com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Hiện nay trên thế giới, có trên 100 phương pháp trị liệu giáo dục cho trẻ tự kỷ. Nhưng chỉ có khoảng 5 phương pháp có chứng cớ khoa học về hiệu quả trị liệu. Lý tưởng nhất là phương pháp giáo dục dựa trên năng khiếu của trẻ và giúp cho trẻ đượcthoải mái, vui tươi. Chưa có chứng cớ khoa học cho rằng tự kỷ là do thiếu máu trong não. Vì thế, mọi phương pháp giáo dục gây đau đớn cho trẻ không được khuyến khích.

Xin mời bạn liên hệ với "Hội quán Đời rất đẹp", địa chỉ 91/6N đường Hoà Hưng, P.12, Q.10, số điện thoại: 0907.206021 (liên hệ anh Nguyễn Văn Cử) hoặc 08.38682770 để biết chi tiết buổi sinh hoạt câu lạc bộ phụ huynh có con tự kỷ vào chiều thứ bảy này (27.11.2010)

Trẻ tự kỷ về sau này có thiên chức làm cha mẹ được không? (một bạn đọc)

BS Huỳnh Tấn Mẫm: Trẻ bị tự kỷ được xác định như đơn vị tâm lý, trường chuyên biệt,… Trẻ 2 tuổi thì có thể nhận biết trẻ bị bệnh, nhưng đến 3 tuổi thì mới xác định được chắc chắn bệnh. Phải được phát hiện sớm, người bệnh tự kỷ lớn tuổi chỉ chữa giảm bệnh thôi, khó có khả năng hết hẳn.

BS Phạm Ngọc Thanh: Chứng tự kỷ là rối loạn phổ tự kỷ, chứng tự kỷ có những người dấu hiệu nhẹ, còn người có dấu hiệu nặng là tâm thần, 20% người tự kỷ phát triển thông minh bình thường, 80% có chậm phát triển tâm thần, 50% người tự kỷ nói được, còn 50% không nói được. Nếu có dấu hiệu nhẹ, bệnh nhân có thể học cao, có thể lập gia đình nhưng đời sống trong gia đình và ngoài xã hội có thể gặp khó khăn trong giao tiếp, hay cắt ngang câu nói người khác, nói lạc đề, khó thích ứng v7i những thay đổi... Tỉ lệ bệnh cứ 5 người thì nam 4, nữ 1.

Xin hỏi nếu gửi bé vào học tại trường Khai Trí thì bé sẽ học cả tuần và gia đình cần chuẩn bị gì cho cháu, hiện gia đình đang ở Thuận An - Bình Dương nên việc đi lại thường xuyên hơi khó khăn, vậy có thể gửi bé vào một số ngày nhất định hay không. Chúng tôi muốn biết rõ hơn về trường Khai Trí, mong các bác sĩ giúp đỡ. Xin cảm ơn (Hoa, hovuhang@...com).

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm: Trường Khai Trí chỉ nhận trẻ từ 2-10 tuổi, học bán trú, không có nội trú; nếu gia đình bạn ở xa, bạn có thể tìm nhà trọ gần trường để sáng đưa đi chiều đón về.

Địa chỉ trường Khai Trí: 214/25F (vào hẻm 244), Điện Biên Phủ, phường 17, Quận Bình Thạnh.

Trường có diện tích trên 1.000 m2, có sân chơi rộng, nhiều đồ chơi giáo dục trị liệu, ban giám hiệu và giáo viên nhiều kinh nghiệm, có chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ.

Chào bác sĩ Ngọc Thanh. Bé nhà tôi 5 tuổi, bị tự kỷ nhưng lúc bé 4 tuổi vợ chồng tôi mới phát hiện ra. Bé rất sợ người lạ, đặc biệt là có âm thanh gì lạ là bé thét lên. Bình thường bé cứ chụm tay đưa lên miệng cắn. Vì gia đình khó khăn nên chúng tôi không thể cho cháu đi học ở mấy nơi dạy trẻ tự kỷ vì học phí mắc quá, mà tự tìm hiểu thông tin trên sách, báo, tự mua đồ về dạy cho bé. Tuy nhiên tình hình không tiến triển. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi phải làm gì để giúp con tôi. Và mong bác sĩ chỉ giúp chỗ chữa trị cho bé, miễn phí thì càng tốt vì vợ chồng công nhân rất khó khăn. Cám ơn bác sĩ. (Thu Nguyệt, tran_thu_nguyet...@gmail.com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Bạn có thể liên hệ với đơn vị tâm lý bệnh viên Nhi đồng 1, điện thoại số: 0908.323623 để lấy ngày hẹn gặp chuyên viên tâm lý. Chúng tôi sẽ giúp bạn về cách giáo dục cho trẻ tại nhà. Bạn cũng nên liên hệ với "Hội quán Đời rất đẹp", địa chỉ 91/6N đường Hoà Hưng, P.12, Q.10, số điện thoại: 0907.206021 (liên hệ ông Cử) hoặc 08.38682770 để biết chi tiết buổi sinh hoạt câu lạc bộ phụ huynh có con tự kỷ vào chiều thứ bảy này (27.11.2010), dành cho các phụ huynh có khó khăn về kinh tế.

Chào bác sĩ Thanh. Tôi làm nhân viên văn phòng, chồng tôi là một kỹ sư. Chúng tôi có con 5 tuổi. Vì hai vợ chồng bận bịu công việc nên rất ít thời gian chăm con mà nhờ người giúp việc trông cháu giúp. Con tôi khoẻ mạnh nhưng rất ít nói. Cho bé đi chơi bé cũng không hào hứng lắm, dù có mua đồ ăn hay quà bé vẫn thần thừ. Không biết như vậy có phải là bé bị tự kỷ không? Và liệu có phải vì thiếu tình cảm ba mẹ nên bé mới bị như vậy? (Thu Hà, thuhaatran...@yahoo.com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Nếu dựa trên triệu chứng ít nói thì chưa kết luận. Trong cuộc sống hiện nay, cha mẹ thường bận bịu công việc nên trẻ bị thiệt thòi. Trong tâm lý có chứng rối loạn mối quan hệ mẹ - con, thiếu tình thương lâu ngày có thể rơi vào trầm cảm. Trầm cảm ở trẻ con triệu chứng na ná tự kỷ nên khó phân biệt. Trẻ thui thủi chơi một mình, ít nói. Cha mẹ dành thời gian chơi với con, chăm lo và gần gũi... trẻ bình thường lại thì không phải là tự kỷ.

Nếu trẻ tự kỷ nhẹ, có khả năng học tập, ngành học nào sẽ thích hợp với trẻ? Trẻ nam thì việc lập gia đình sẽ như thế nào? Xin cảm ơn (Ngọc Minh, ngocminh...@yahoo.com)

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm: Trẻ tự kỷ ở tuổi nào thì mới biết được cháu có thích hợp với ngành nghề nào, tuy nhiên nếu chọn ngành học cho trẻ sau này thì phải có những buổi tham vấn hướng nghiệp. Trẻ nam trưởng thành cũng có thể lập gia đình, nhưng người bạn đời phải hiểu về chứng tự kỷ của bạn mình. Nếu không hiểu sẽ có những trắc trở trong cuộc sống, vì người tự kỷ chỉ muốn làm theo ý mình mà không dễ dàng chấp nhận ý kiến người khác.

Tôi nghe nói trẻ bị bệnh vàng da sơ sinh dễ bị bệnh tự kỷ. Con tôi lúc mới sinh bị vàng da và được bác sĩ ở bệnh viện Từ Dũ chữa. Chúng tôi phải theo dõi như thế nào để biết bé có bị hay không? (Mẹ Hoàng, quynhnhuai...@yahoo.com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Tôi chưa đọc được y văn nào nói trẻ vàng da là bị tự kỷ. Nhưng có những yếu tố môi trường như bà mẹ bị bệnh lúc mang thai, những chất mỹ phẩm, thuốc trừ sâu… Phía đứa nhỏ khi mới sinh ra, sinh đôi, sinh non, sinh ngạt, viêm màng não hoặc viêm não. Ngoài ra còn có yếu tố di truyền, bẩm sinh (từ trong bụng mẹ)… Người ta đang miệt mài nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh này.

Con trai tôi năm nay 11 tuổi, 3 tháng trở lại đây bé đâm ra lì lợm, hay cãi lại lời của người lớn và chỉ thích làm theo ý mình. Muốn học thì học, không thì thôi. Gia đình tôi dùng mọi biện pháp, từ khuyên răn đến răn đe nhưng đều vô hiệu, có phải con tôi đã và đang vướng phải bệnh trầm cảm không? (Thi Le, lemaithi@...com)

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm: Con chị 11 tuổi là tuổi cháu có ý thức về tự lập, mặc dầu ý tưởng còn non nớt cho nên có những thái độ hay cãi lời làm theo ý mình, cha mẹ phải luôn luôn thương yêu gần gũi giải thích; không nên dùng răn đe để buộc trẻ theo ý mình, như vậy chỉ làm trẻ thêm trầm cảm tiến đến rối loạn thần kinh khó chữa. Đánh đập, răn đe, chửi mắng, nói dối trẻ là điều phải tránh không được làm, vì như vậy sẽ làm tổn thương nội tâm của trẻ.

Tự kỷ là bệnh không thể chữa được và theo bệnh đó suốt đời, nhưng còn tự kỷ không điển hình theo thời gian lúc lớn lên có thể khá hơn hoặc hết không? Nhờ bác sĩ giải thích dùm tự kỷ không điển hình là gì? (Phạm Nguyễn Bảo Trâm, sisapa...@yahoo.com)

BS Phạm Ngọc Thanh: Trẻ được chẩn đoán tự kỷ không điển hình là trẻ không hội đủ tất cả các tiêu chí của chứng tự kỷ. Ở dạng nhẹ, những trẻ này có thể hoà nhập xã hội nhưng cha mẹ không nên đặt kỳ vọng quá cao. Chuyên viên tâm lý có thể tư vấn, đưa ra lời khuyên cụ thể hơn khi đã khám và nhìn các dấu hiệu của người bệnh.

Phương pháp tâm lý nào thích hợp tại gia đình để hạn chế bệnh tự kỷ ở trẻ em? Xin cảm ơn (Vũ Thành Trung, vantrung...@yahoo.com.vn)

BS Phạm Ngọc Thanh: Có rất nhiều phương pháp giáo dục tâm lý dựa trên giao tiếp, kỹ năng xã hội, hành vi, cảm xúc... Phụ huynh cần được huấn luyện về những phương pháp này. Tuy nhiên, hiện nay không có phương pháp nào tốt nhất cho mọi trẻ. Tuỳ theo năng lực của mỗi trẻ, chuyên viên tâm lý sẽ giúp phụ huynh lên chương trình giáo dục và chọn phương pháp phù hợp cho trẻ.

Con tôi được chẩn đoán tự kỷ nhẹ năm cháu 5 tuổi. Đến năm 8 tuổi đi khám lại, bác sĩ vẫn kết luận cháu bị tự kỷ nhẹ. Sau đó gia đình cho cháu đến trung tâm giáo dục chuyên biệt để đăng ký học, sau khi kiểm tra các kỹ năng và hoạt động của cháu cũng như trao đổi với cha mẹ về quá trình sinh nở, nuôi dạy và chăm sóc cháu thì trung tâm kết luận cháu không bị tự kỷ mà bị chậm phát triển trí tuệ . Vậy xin hỏi: - Tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ khác nhau ở điểm nào? Việc chẩn đóan sai giữa hai bệnh này có ảnh hưởng như thế nào đến việc chăm sóc nuôi dạy cháu?

Câu hỏi 2 : Với các cháu tự kỷ TUỔI DẬY THÌ sẽ trải qua như thế nào? Cần lưu ý gì trong giai đoạn này?(Nguyễn Thị Hồng Hà, hahiepvn@y...com)

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm: 70% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ nên dễ lầm lẫn trẻ bình thường chậm phát triển trí tuệ. Trẻ tự kỷ có 3 khiếm khuyết chính: về tương tác xã hội (không tiếp xúc với ai), về giao tiếp bằng lời nói, về hành vi tăng động,...Chỉ có làm trắc nghiệm về trí tuê của trẻ thì mới phân biệt được, vậy nên đưa cháu đến BV Nhi đồng 1, 2 để được khám và tư vấn. Còn trẻ chậm phát triển có thể về thể lực lẫn tinh thần, những khiếm khuyết trên không rõ đối với trẻ này.

Buổi tư vấn trực tuyến “Chăm sóc trẻ tự kỷ” với bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, trưởng đơn vị tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM và TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch hội đồng quản trị trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí, TP.HCM đã kết thúc. Những câu hỏi còn lại của bạn đọc, chúng tôi sẽ chuyển tải trên báo Sài Gòn Tiếp Thị và gửi thư riêng.

Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị

Bài viết liên quan

Nhỏ to Tâm sự với phụ huynh

23/04/2022

Khi mới vào nghề giáo viên chuyên biệt, trong lòng tôi dâng trào niềm cảm xúc và nhiệt huyết với quyết tâm sẽ đem hết...

Giao tiếp trẻ từ 4 tháng đến 36 tháng

23/04/2022

Những cột mốc trong bảng này rất quan trọng cho sự phát triển hành vi và học tập của trẻ. Trong khi mỗi trẻ phát...

Chế độ ăn uống cho trẻ tự kỉ

23/04/2022

Tự kỷ là một thực trạng ảnh hưởng đến gần 1 trong 1.000 ca sinh trên toàn quốc(Usa) và  các rối loạn thần kinh có...

Thong ke
back_to_top