NHỮNG VIỆC CHA MẸ CẦN LÀM CHO ĐỨA CON
RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ - ADHD
Võ Thị Thùy
Hiệu trưởng TRƯỜNG GDCB KHAI TRÍ
I – HÃY TẠO BÌNH AN NỘI TÂM CHO BẠN VÀ GIA ĐÌNH
Bạn cần dũng cảm nhìn vào thực tế và tìm phương pháp giúp con bạn phát triển tốt hơn. Tương lai con bạn nằm trong tay bạn. Nội tâm của bạn an bình, vững vàng thì mới nuôi dạy trẻ hiệu quả tốt.
Trẻ tự kỷ là trẻ có rối loạn phát triển của não bộ từ trong bào thai đến giờ chưa tìm được nguyên nhân gốc, các dấu hiệu xuất hiện trước 3 tuổi.
Thời gian vàng để dạy trẻ có rối loạn phát triển tốt nhất là 2 - 5 tuổi.
Vì vậy, bạn: KHÔNG NÊN
- Than thân trách phận,
- Đổ lỗi cho nhau, cho di truyền họ tộc.
- Mặc cảm tội lỗi đã bỏ bê con.
II – ĐÓN NHẬN ĐỨA CON TỰ KỶ VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG BAO LA:
Chấp nhận, yêu thương, tìm nơi tin cậy can thiệp, con bạn sẽ tiến bộ, phát triển tốt.
III – PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC VÀ NUÔI DƯỠNG CHĂM SÓC TRẺ:
Đối với trẻ tự kỷ can em vừa được can thiệp giáo dục vừa trị liệu cảm giác, tâm lý vận động, ngôn ngữ, hành vi với sự hỗ trợ tích cực của giáo viên chuyên viên đa ngành ...Vai trò của phụ huynh:
A – Phối hợp chặt chẽ với giáo viên
1/ Thống nhất cùng thực hiện biện pháp giáo dục và dạy dỗ giống nhau. Nếu không, con bạn sẽ rối loạn hơn vì không biết theo ai khi cách dạy trái ngược nhau.
2/ Trao đổi với giáo viên hàng ngày để biết những điều con đã làm được ở trường và tiếp tục tác động khi trẻ ở nhà. Báo với giáo viên những gì con bạn làm đuợc ở nhà.
3/ Đồng hành với giáo viên để dạy con. Không khoán trắng cho nhà trường.
B – Rèn luyện kỹ năng dành cho cha mẹ để nuôi dạy trẻ tự kỷ
1/ Nếu con chưa biết nói phải dạy trẻ nhai, nuốt, lấy nước bằng lưỡi, tập cho trẻ chơi với môi miệng, tạo tiếng kêu các con vật, phát âm. Mỗi ngày như gieo hạt ta cứ cung cấp từ, kiến thức cho trẻ, đủ vốn kiến thức, khi não kết nối với bộ máy phát âm trẻ sẽ biết nói.
Quan hệ hãy tạo cho con :
- An toàn.
- Gắn bó
- Vui thích
- Tôn trọng
- Có mặt, gần gũi
2/ Dạy kỹ năng xã hội cho trẻ ở tuổi này là quan trọng thứ hai
Chơi là tối quan trọng cho sự phát triển của trẻ!
Trẻ cần được dạy 4 nhóm kỹ năng này thì mới đi học hoà nhập với các trẻ khác ở trường và cộng đồng
2.1/ Dạy trẻ giao tiếp xã hội: Giao tiếp mắt, chú ý, biết chỉ, biết cùng chú ý, biết xin, biết trả lời, bắt chước, và làm theo yêu cầu
2.2/ Dạy trẻ những kỹ năng tự lực:
Học ăn: nhai nuốt, mềm hàm mới nói được, tự xúc ăn (rất tốt!)
học kỹ năng vệ sinh cá nhân, kỹ năng mang giày dép, đội mũ nón, mặc quần áo, xếp dọn đồ chơi và đồ dùng.
Bạn phải luôn luôn nhớ rằng không có việc gì mà con bạn không làm được, chỉ tại chúng ta chưa kiên trì hướng dẫn và khuyến khích, tạo điều kiện cho con làm mà thôi. Nếu bạn không kiên trì và làm thay thì trẻ không bao giờ tự lập.
2.3/ Dạy trẻ kỹ năng tương tác:
• Biết chơi, chơi luân phiên, khởi xướng chơi, biết yêu cầu chơi, biết chơi cùng bạn.
• XIN – CHO – NHẬN – TỪ CHỐI – CẢM ƠN
Đây là bài học rất quan trọng vì dạy con nói, nhận thức, trao đổi, lựa chọn, biết những qui luật của xã hội, văn hóa ứng xử.
Xin: bày tỏ ước muốn, yêu cầu, xin phép làm một điều gì.
Cho: đáp ứng yêu cầu của người khác theo khả năng mình có, chia sẻ với người khác.
Ví dụ:
Con cầm tay bạn đụng vào hộp bánh (ý nó muốn ăn bánh) à bạn nói” con muốn ăn bánh? Con hãy xin mẹ, con chỉ hộp bánh cho mẹ”. Nếu con chưa biết chỉ, bạn cầm các ngón tay con lại-trừ ngón trỏ- và tập con chỉ đồng thời nói nhiều lần “con muốn ăn bánh”
Đưa bánh cho con, bạn nói “con chìa tay xin bánh đi, mẹ cho”(tập con chìa tay xin)
Bỏ bánh vào tay con, bạn nói “mẹ cho con bánh, con dạ đi”(tập con dạ)
Dần dần tập con nói cám ơn khi được ai đáp ứng 1 ước muốn của nó.
Bạn xin con một vật nó cầm trong tay và cám ơn khi con cho bạn.
• Cho – nhận:
Ví dụ: Bạn cầm hộp kẹo mới mua về “Nào, mẹ có kẹo cho cả nhà này”
Mẹ cho ba (ba nhận và nói cám ơn).
Mẹ cho chị Hai (chị Hai nhận và nói cám ơn)
“Mẹ cho Ti này, Ti nhận và nói cám ơn mẹ đi”
Sau cùng bạn đưa 4-5 cây kẹo bảo con đi cho bạn bè lối xóm.
• Từ chối – Lựa chọn:
Ví dụ: Đưa ra 1 trái chuối và một cái bánh, bạn hỏi con “Con muốn cái gì trong hai món ăn này?”, “Con xin cái nào?”, “Con chọn cái nào? chuối hay bánh?” đồng thời tập bé chỉ tay xin cái bé muốn (không để con tự lấy)
Khi bé lớn hơn, bạn tập con dạ, thưa, chào, xin lỗi, cám ơn, giúp đỡ cha mẹ và mọi người.
2.4/ Dạy trẻ bày tỏ cảm xúc của mình: như vui, buồn, sợ, giận (bản năng của con người, trẻ tự kỷ bị thiếu bản năng này); kế tiếp là biết những cảm xúc của người xung quanh.
C- Tạo sự an toàn cho con : bảo vệ, phòng ngừa những tai nạn, những ảnh hướng xấu:
• Để con ở xa nơi dễ cháy, nổ.
• Bảo đảm ổ cắm điện an toàn.
• Để dao, kéo, thuốc xa tầm tay trẻ.
• Không để con nghe những lời thô tục.
• Không để con nhìn cảnh bạo lực.
• Cài cửa, rào chắn lối ra đường...
D – Cha mẹ nên thực hiện tốt - thường xuyên - mọi lúc – mọi nơi những thái độ và hành động sau đây:
Tùy độ tuổi và sự tiếp thu của con mà nâng dần cấp độ.
1/ Không cưng chiều thái quá: đừng vì con chậm phát triển mà đáp ứng mọi đòi hỏi không tốt của con → con sẽ ỷ lại, ngang ngược, thụ động, chờ đợi không biết qui tắc xã hội.
2/ Không cho con xem nhiều phim ảnh, ti vi làm mất khả năng giao tiếp, tự cô lập mình.
3/ Không trút bực tức, muộn phiền lên con, không đánh mắng trẻ. Không cho con xem phim bạo lực (Tom&Jerry) trẻ sẽ hành sử bạo lực trên chính chúng ta và người thân.
4/ Bạn tránh nói chuyện, tiếp xúc với con khi tâm trạng bạn u ám. Ví dụ: “mày hư đốn, mày làm khổ cha mẹ...” Những lời tương tự như trên là những chiếc neo tâm lý mà bạn thả vào tâm trí con, sẽ kìm hãm sự phát triển tâm lý tích cực của con → con sẽ càng bít kín, tự ti mặc cảm, hoặc nó sẽ lì lợm, ngang bướng, hung dữ để chống lại bạn!
Và ngược lại: Không quá kỳ vọng vào con, tạo áp lực không đáng có lên bản thân mình, trên con trẻ và trên những người trực tiếp nuôi dạy trẻ. Trên 90% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ.
5/ Gắn bó, gần gũi : trò chuyện với con khi đưa đón con đi học, đọc chuyện cho con nghe trước khi ngủ.
6/ Tạo sự vui thích: Thường xuyên tạo điều kiện cho trẻ ra ngoài xã hội vào ngày cuối tuần: đi công viên, đi xe bus, siêu thị, đồng quê...hạn chế sử dụng các dụng cụ kỹ thuật số trước mặt con trẻ.
7/ Dạy con tự tin:
Hãy khen khi con làm được một hành vi mà bạn dạy. Không mắng con “ngu” khi con chưa làm được mà hãy hướng dẫn và động viên con.
• Hãy bắt đầu từ hành vi mà con tự làm được và nâng dần cấp độ khó hơn. Bạn cần kiên nhẫn và dịu dàng khi dạy con.
• Luôn khuyến khích “con làm được mà”; “con làm giỏi”; “con tự xúc cơm ăn được”.
• Tập tự giải quyết vấn đề: khi con đi dạo, sỏi vướng vào giày, con nhìn bạn lay hoay chân. Bạn đừng vội vàng lấy sỏi ra mà hãy nói “sỏi vướng vào giày làm con đau chân, con làm sao? Con tự làm được mà, nào con làm đi”. Nếu con tự lấy sỏi ra được à bạn hãy khen con. Nếu con lay hoay mãi mà không lấy ra được, bạn hướng dẫn con làm và khen khi con đã lấy viên sỏi ra. Bạn nhìn vào mắt con và chia sẻ niềm vui thích, tự hào của nó.
E_ Tập giữ kỷ luật – can thiệp hành vi không mong muốn của con trẻ (cái gì được làm, cái gì không)
Ví dụ:
• Chỉ đuợc xem TV chương trình cho trẻ em trong 30 phút/ngày.
• Đi ngủ đúng giờ.
• Nếu con đòi tiếp tục xem TV không chịu đi ngủ, bạn giao hẹn “đến giờ đi ngủ rồi, mẹ chỉ cho con xem TV 5 phút nữa thôi” đúng 5 phút sau, bạn tắt TV bảo con đi ngủ. Nếu con la khóc vòi vĩnh, ban nói “không” và cương quyết không nhượng bộ, vài lần nhất quán như vậy con sẽ không vòi vĩnh nữa.
9/ Khi con bạo động
• Con khóc: bạn chớ vội ẳm bồng dỗ dành ngay mà hãy quan sát xem vì sao con khóc, “tai sao con khóc, con đói, con khát, con đau, nói cho mẹ biết đi”. Nếu con chưa biết nói, bạn hãy tự tìm nguyên nhân và nói ra nguyên nhân đó rồi đáp ứng nhu cầu của con (nhu cầu đúng).
• Con đánh người khác hay tự đánh mình: cầm tay con ngăn lại ngay và nói “không” và chuyển hướng hành vi “con vuốt tay em, bà, cháu... đi, con thương em, bà, cháu...”. Nghĩa là bạn ngăn hành vi xấu ngay và chuyển con qua một hành vi tốt.
• Con la hét, đập phá : bạn hãy đưa con vào một phòng cùng bạn, khóa cửa lại rồi hét lớn hơn nó à có thể con sẽ ngạc nhiên nhìn bạn và im ngay. Đưa cho con những con thú nhồi bông hay gối để con ném, đập phá. Bạn cứ im lặng ngồi nhìn con đến khi con hạ cơn kích động. Khi đó bạn nói “con hết tức giận rồi, con muốn ra ngoài thì phải xin mẹ cho ra”. Nếu con lớn và hiểu hơn thì bạn bảo nó xin lỗi và hành vi bạo động và hứa không tái phạm.
Cương quyết nói “ không” kèm lắc đầu và khoát ngón tay trỏ trước mặt con khi con có hành vi xấu. Trẻ tự kỷ cảm nhận hình ảnh hơn là lời nói → khi cha mẹ cứng rắn từ chối một điều gì một lúc trẻ sẽ tự rút lui. Ví dụ: con đòi ra ngoài trời mưa, bạn hãy giải thích”trời mưa, con ra ngoài sẽ bị ướt, bị cảm lạnh, lúc này phải ở trong nhà “. Nếu nó lăn ra khóc, vòi vĩnh → bạn cương quyết bảo “không” và để nó khóc cố gắng không cho trẻ biết mình đang quan sát trẻ (bạn không dỗ dành, giống như một diễn viên chỉ diễn khi có khán giả, khi bạn không làm khán giả thì bé sẽ không diễn trò nữa.) một lúc con sẽ tự nín. Khi đó, bạn khen ngay khi có hành vi tích cực.
• Tập cho con quen với từ “không” dứt khoát này, khi con lớn hơn, bạn sẽ dễ dàng dạy con điều hay lẽ phải, dạy con nói không với điều xấu. Bạn hãy bấm bụng chịu đựng thường là không quá 1 tháng bé sẽ hiểu rằng những trò vòi vĩnh đó không có hiệu quả tự bé sẽ ngưng. Nếu không điều chỉnh, những hành vi sai trái sẽ thành thói quen xấu theo trẻ suốt đời.
Tóm lại để dạy dỗ đứa con rối loạn phổ tự kỷ, bạn cần rèn luyện mình kiên nhẫn và vững vàng nội tâm. Bạn sáng tạo ra nhiều cách hóa giải hành vi, xúc động xấu của con, hướng bé qua hành vi tốt. Khơi dậy, cũng cố và phát triển những hành vi tốt, sao cho con bạn lớn lên biết giao tiếp với mọi người khi đó trẻ sẽ hòa nhập sống chan hòa với mọi người chung quanh.